Chào các bạn, rêu hại trong hồ thủy sinh là nỗi ám ảnh rất lớn đối với người chơi, luôn là vấn đề hàng đầu trong việc chăm sóc bể thủy sinh. Sau đây YTS chia sẻ với bạn đọc vài kiến thức cơ bản về rêu hại, từ đó giúp bạn đưa ra quyết định để phòng và trị rêu hại cho hồ của mình:
1. Tảo nâu (Diatoms)
Loại rêu hại màu nâu này hơi nhớt, nó chính là khuẩn diatoms và bùng phát rất nhanh. Chúng bám trên lá cây, lũa, nền…
Nguyên nhân:
– Thường xuất hiện nhiều nhất khi hồ mới set được 1 thời gian, chưa ổn định. Dinh dưỡng trong nền mới và hệ vi sinh chưa ổn định là môi trường bùng phát tảo nâu. Nói chính xác hơn tảo nâu xuất hiện là do lượng silicon dioxide –Sio2, chất có trong đa số nền gây ra, khi hồ chưa có hệ vi sinh ổn định thì tảo nâu sẽ lợi dụng lúc hàm lượng Sio2 cao bùng phát.
– Hồ quá dơ, lâu không thay nước và dinh dưỡng và co2 không cân bằng.
Cách phòng chống:
– Chăm thay nước hằng ngày trong 1-2 tuần đầu khi mới set hồ, mỗi lần thay 30-50% nước.
– Thả cá otto, tép Amano (yamato), tép màu…
– Khuẩn diatoms rất dễ diệt bằng oxi già, cidex hay excel
2. Rêu chùm đen (Black Beard Algae – BBA)
Loại rêu hại cứng đầu, khó trị này luôn là điều phiền toái của dân chơi thủy sinh, rêu chùm đen thường bám lên lá cây, lũa, đá. Thông tin quan trọng và thú vị về BBA là nó càng tồn tại lâu trong hồ thì càng khoẻ và khó trị.
Nguyên nhân:
– Chất hữu cơ dư thừa trong nước hồ quá nhiều, cho cá ăn quá nhiều, hồ ít thay nước
– Hồ thiếu hụt sắt, BBA thường xuất hiện chung với triệu chứng thiếu sắt của cây
– Lượng co2 thấp hoặc dòng chảy đưa co2 yếu, đây là nguyên nhân thông dụng nhất
– BBA thường xuất hiện nhiều trong hồ pH thấp
– Thiếu hay dư thừa dinh dưỡng (mất cân bằng) cũng là nguyên nhân gây ra sự xuất hiện của rêu chùm đen.
– Lá già yếu, lá bị che sáng cũng dễ bị rêu chùm đen tấn công
Cách phòng chống:
– Quan trọng nhất là co2, nếu bạn bị BBA tấn công hãy xem lại lượng co2 trong hồ. Khi hồ thiếu co2 thì lượng dinh dưỡng sẽ không được cây hấp thụ hết và BBA sẽ tận dụng dinh dưỡng dư thừa để phát triển. Đa số các hồ thủy sinh khi lượng co2 tối ưu thì BBA sẽ bị đổi màu và biến mất.
– Cân bằng dinh dưỡng – ánh sáng và co2, đừng để cây bị thiếu hụt dinh dưỡng hoặc co2 không ổn định.
– Nhớ thay nước, bảo dưỡng hồ định kì
– BBA có thể trị được bằng excel, cidex và oxi già
3. Rêu đốm xanh (Green Spot Algae – GSA)
Loại rêu hại này thường có hình đốm tròn màu xanh, hay bám lên mặt kính và lá cây
Nguyên nhân:
– Với lượng ánh sáng nhiều và không đủ Po4 hoặc Co2 thì GSA chắc chắn sẽ xuất hiện.
– Dòng chảy yếu, không đưa co2 khắp hồ được.
Cách phòng chống:
– Tăng lượng Po4 bằng phân nước, phân khô có chứa po4 (lên cỡ 0.5 – 1 ppm)
– Tăng dòng chảy lọc
– Tăng lượng co2 lên tối ưu
– Excel, cidex có thể diệt tạm thời GSA
– Ốc nerita rất thích ăn GSA
4. Rêu Tóc xanh (Green Hair Algae)
Loại rêu tóc này bùng phát rất nhanh, những hồ nhiều đèn thường xuất hiện GHA khi mất cân bằng dinh dưỡng
Nguyên nhân:
– Hồ mới set, hệ vi sinh chưa ổn định
– Quá nhiều đèn, nhưng co2 lại không đủ
– Lượng FE trong nước cao, nhưng không đủ co2 cho cây hấp thụ
– Tạp chât hữu cơ trong nước cao
Cách phòng chống:
– Nếu hồ mới set, nên trồng nhiều cây, ánh sáng nên bật 4-5 tiếng / ngày rồi tăng dần 30 phút hàng tuần cho đến khi đạt 8 tiếng
– Hạn chế châm phân nước nhiều FE trong thời gian đầu
– Tối ưu lượng co2, rêu tóc xanh sẽ biến mất rất nhanh
– Nếu không quản lý tốt dinh dưỡng và co2 thì có thể giảm đèn và thay nước nhiều
– Một số loài cá tép có thể hạn chế rêu tóc xanh như cá bút chì, nô lệ, otto, tép Amano…
– Excel và Cidex có thể trị được rêu tóc xanh
5. Rêu tóc đen (Black hair algae)
Loại rêu tóc này thường có màu đen, tối hoặc xám. Thường xuất hiện cỡ cạnh lá cây, nền hoặc cả ống in out. Rêu tóc đen hay xuất hiện ở hồ mới set.
Nguyên nhân:
– Hệ vi sinh và dinh dưỡng chưa ổn định
– Mất cân bằng dinh dưỡng – co2
Cách Phòng chống:
– Thay nước 30% trong 1 tuần
– Tăng co2 tối ưu
– Thả tép Amano
6. Rêu nhớt xanh (Blue Green Algae)
Loại rêu này thức chất là 1 loại khuẩn lam, nó tự sinh và hấp thụ dinh dưỡng và dùng cả co2 để quang hợp, vậy nên thay nước nhiều không có tác dụng nhiều với nó. Rêu nhớt xanh thường xuất hiện ở nền.
Nguyên nhân:
– Hồ dơ, nhiều chất hữu cơ trong nước
– Lượng No3 quá thấp
– Po4 quá cao
– Thiếu co2
– Hệ vi sinh có vấn đề
Cách phòng chống:
– Thay nước kết hợp với tăng No3 lên 5-10 ppm
– Nếu test thấy po4 cao nên thay nước nhiều
– Cho cá ăn ít lại
– Nếu có thể thì tắt đèn vài ngày, rêu nhớt xanh sẽ biến mất (không khuyến khích)
– Cá bút chì và ốc nerita có thể diệt bớt rêu nhớ xanh
– Cidex, excel cũng hiệu quả
– Trong trường hợp bị quá nặng, các bạn có thể mua thuốc erythromycin phosphate, liều là 100mg cho 20 lít hồ, sau vài ngày rêu nhớt xanh sẽ biến mất hoàn toàn, nhưng cẩn thận vị hệ vi sinh cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều
7. Rêu nước xanh (Green water)
Loại rêu này không làm hại cây hay cá tép nhưng nó bùng phát trong nước khiến nước hồ bạn biến thành màu xanh rất khó chịu.
Nguyên nhân:
– Hồ mới, hệ vi sinh chưa ổn định
– Ánh sáng quá nhiều, kết hợp với dư thừa dinh dưỡng nhưng lại không đủ co2
– Ánh sáng mặt trời chiếu vào quá nhiều
– Hồ bị xáo trộn nền
Cách phòng chống:
– Đợi hồ ổn định, thay nước đều
– Hạn chế ánh sáng trực tiếp từ mặt trời
– Giảm bớt đèn, tối ưu co2
– Dùng đèn UV vài ngày cũng rất hiệu quả
– Tắt đèn, chùm kín hồ trong 4-5 ngày (không khuyến khích)
– Thả bobo cũng hiệu quả
– Oxi già và cidex cũng hiệu quả với Green water
8. Rêu bụi xanh (Green Dust Algae)
Loại rêu hại khó chịu và khó trị trong hồ thủy sinh. Chúng bám mảng trên mặt kính, sau đó phát triển bám hết vào lá cây, nền, vật liệu lọc, và làm nước chuyển màu xanh. Thay nước với GDA không hiệu quả vì chúng phát triển lại rất nhanh.
Nguyên nhân:
– Chủ yếu là Nh2 dư thừa trong hồ kết hợp với ánh sáng cao
– Những hồ pH trên 6.5 mà bị GDA thì đa số là ít thay nước hoặc thiếu co2
– Những hồ pH thấp từ 6 trở xuống thì nguyên nhân là nước quá mềm và dư thừa Nh2
– Khi bạn tăng ánh sáng quá đột ngột cũng gây bùng phát GDA
Phòng chống:
– Tăng co2 tối ưu, kết hợp thay nước để giảm nh2
– Nếu co2 tốt, nhưng pH thấp thì dùng baking soda tăng pH lên 6.5 – 7
– Nếu tăng đèn thì nhớ tăng dần dần, đừng tăng quá đột ngột
– Giảm đèn
– 1 số loại cá tép cũng diệt GDA hiệu quả
– Oxi già và đèn UV rất hiệu quả với GDA
–
9. Rêu lông tơ (Fuzz Algae)
Loại rêu này giống rêu tóc mini, thường xuất hiện trên lá và kính hồ, dài cỡ 2-3 cm, thường xuất hiện trong hồ nhiều sáng
Nguyên nhân:
– Lượng ánh sáng cao nhưng co2 thiếu, gây mất cân bằng dinh dưỡng
Phòng chống:
– Tối ưu co2
– Giảm sáng nếu có thể
– Cân bằng dinh dưỡng trong hồ
– Tép Amano, rc, cá otto, cá bút chì… có thể diệt loại rêu này.
10. Rêu sừng hưu (Staghorn)
Loại rêu hại kì lạ, thường là rất dễ trị, nhưng đôi lúc lại hầu như không tiêu diệt được. Hình dáng nó giống với rêu tóc nhưng chỉ tập trung vào 1 gốc, và thường có hình dạng như sừng con hưu.
Nguyên nhân:
– Thiếu co2, dư sáng
Phòng chống:
– Tối ưu co2 và cân bằng ánh sáng – dinh dưỡng
– Tép Amano đặc biệt hữu dụng
– Kết hợp Oxi già và excel / cidex để trị rêu sừng hươu cứng đầu
11. Rêu chùm (Cladophora)
Một loại rêu hại không hay gặp trong hồ thủy sinh nhưng lại tương đối cứng đầu. Khi nó xuất hiện thì việc bạn cân bằng dinh dưỡng sẽ không làm nó chết đi.
Nguyên nhân:
– Do hồ mất cân bằng dinh dưỡng
– Phần lớn là lo lây nhiễm từ cây cối của hồ khác
Phòng chống:
– Tăng lượng co2 có thể gây ức chế và tiêu diệu rêu chùm
– Oxi già và cidex/excel cũng hiệu quả
– Hạn chế cho cây bị nhiễm rêu chùm vào hồ.
Kết luận: Qua chia sẻ trên, các bạn có thể thấy rằng, hầu hết rêu hại xuất hiện khi hồ mất cân bằng dinh dưỡng, vậy cách phòng chống tốt nhất là làm sao để cân bằng lượng dinh dưỡng trong hồ. Để làm tốt việc này, ban phải thật sự dày dặn kinh nghiệm. Chúc các bạn thành công!